Trang Chủ / Tin Tức / Livestream O2O ‘kéo’ khách đến mua hàng ra sao?

Livestream O2O ‘kéo’ khách đến mua hàng ra sao?

Tin Tức

Livestream O2O chứng minh tiềm năng trở thành xu hướng dẫn đầu khi vừa giúp nhà bán hàng tăng doanh thu hiệu quả, vừa mang lại trải nghiệm mua sắm đa kênh thú vị cho người dùng.

Tốc độ số hóa nhanh sau 2 năm Covid-19 đã biến livestream trở thành nghề nghiệp mới, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người. Trong bối cảnh “nhà nhà, người người livestream”, các thương hiệu và nhà bán hàng đã sáng tạo ra nhiều hình thức tương tác mới lạ nhằm gia tăng sự kết nối giữa mua sắm trực tuyến và trực tiếp, tiếp cận thêm nhiều khách hàng tiềm năng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của hình thức bán hàng đa kênh.

Livestream O2O - xu hướng mới của kinh doanh thời 4.0

Livestream O2O (Online to Offline) là hình thức livestream tương tác khá thịnh hành ở châu Á hiện nay. Đây là mô hình nhà bán hàng livestream tại chính cửa hàng để thu hút sự chú ý và mang trải nghiệm chân thật nhất về sản phẩm đến người dùng. Với một chiếc smartphone, nhà bán hàng đã có thể đưa cả cửa hàng “lên sóng” trước hàng nghìn khán giả.

Hình thức livestream tại cửa hàng rất phổ biến trong cộng đồng nhà bán hàng TMĐT ở Trung Quốc.

Ở khía cạnh người dùng, Livestream O2O mang đến những trải nghiệm chân thực không kém gì mua sắm trực tiếp, thông qua các hình thức tương tác hai chiều với người bán, giải đáp thắc mắc, dùng thử và “đập hộp” sống động. Bên cạnh việc tìm hiểu sản phẩm qua livestream, người dùng có thể đến tận cửa hàng để trải nghiệm sản phẩm thực tế. Quy trình đi từ online đến offline và ngược lại góp phần đa dạng hóa trải nghiệm mua sắm đa kênh của người dùng.

Về phía nhà bán hàng, Livestream O2O mang lại lợi ích lớn về mặt thời gian, chi phí khi người bán không nhất thiết phải đầu tư công phu, tốn kém như quay tại studio. Với một chiếc smartphone tại chính cửa hàng của mình, người bán có thể thực hiện các buổi livestream hấp dẫn. Hơn thế, livestream trực tiếp tại cửa hàng còn mang đến niềm tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, quy mô của cửa hàng so với việc người bán chỉ trưng bày những bức ảnh, dễ bị nghi ngờ là cắt ghép, chỉnh sửa.

Nhà bán hàng dễ dàng áp dụng Livestream O2O với những thiết bị sẵn có như smartphone.

Lợi ích đa kênh, đa đối tượng

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện, ngành bán lẻ trực tuyến Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân 29% hàng năm cho đến 2025. Một khảo sát khác của Salesforce cho thấy người tiêu dùng hiện dành 60% quỹ thời gian của mình cho những tương tác trực tuyến, tăng 42% so với thời điểm trước đại dịch.

Đặt trong bối cảnh tiềm năng này, Livestream O2O được kỳ vọng trở thành một cầu nối thiết thực giữa online và offline, góp phần đa dạng hóa trải nghiệm mua sắm đa kênh của người dùng. Tại Việt Nam, mô hình tiềm năng này cũng đã được sàn TMĐT Lazada tiên phong triển khai và áp dụng, nhằm hỗ trợ các thương hiệu, nhà bán hàng kinh doanh hiệu quả hơn trên TMĐT.

Lep’ by Tram là thương hiệu thời trang tại Hà Nội ứng dụng mô hình Livestream O2O của Lazada, và bước đầu ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan. Chị Thảo Uyên - quản lý thương hiệu Lep’ - chia sẻ: “Livestream O2O giúp thương hiệu vừa quảng bá được những mẫu mới, vừa giới thiệu được sự chỉn chu, đầu tư tại cửa hàng. Hình thức sinh động, kịch bản thú vị cùng những trải nghiệm tương tác mới lạ giúp tăng độ nhận diện, thu hút khách hàng hơn”.

Chị Uyên cũng chia sẻ thêm, vì đây là mô hình khá mới lạ ở thị trường Việt Nam, đội ngũ Lazada đã hỗ trợ rất nhiều để thương hiệu được “thử nghiệm” hình thức mới. “Lazada luôn trợ lực hết mình trong các buổi livestream O2O của chúng tôi, từ kịch bản, mẫu cho đến ekip, giúp thương hiệu có thể tiếp cận, áp dụng mô hình O2O này vào chiến lược quảng bá một cách hiệu quả”, chị Uyên cho biết.

Livestream O2O mang đến lợi ích kép cho cả người mua lẫn nhà bán hàng. Ảnh chụp một buổi livestream O2O trên Lazada của thương hiệu.

Ngoài Lep’ by Tram, nhiều thương hiệu lớn tại Hà Nội như Pierre Cardin, Floralpunk hay Curnon Watch cũng hào hứng thử nghiệm hình thức livestream mới này và ghi nhận kết quả khả quan. Điển hình là sự tăng trưởng trong doanh thu và tỷ lệ khách hàng tìm đến cửa hàng sau khi xem livestream trực tuyến cũng tăng thấy rõ.

“Chúng tôi đang trên những bước đầu tiên để khám phá và triển khai hình thức bán hàng mới này. Nhờ chiến dịch Livestream O2O của Lazada, Curnon đã có những buổi livestream đầu tiên tại các cửa hàng offline. Quá trình trải nghiệm mới mẻ và thú vị, đưa thương hiệu đến với nhiều khách hàng hơn, tạo ra sự kết nối, tương tác giữa cửa hàng và khách hàng”, đại diện thương hiệu Curnon Watch chia sẻ.

Curnon Watch ứng dụng thành công hình thức livestream O2O kiểu mới.

Bên cạnh đó, để tối ưu trải nghiệm mua sắm đa kênh của người dùng, tại quầy thu ngân của mỗi cửa hàng tham gia Livestream O2O sẽ được đặt một LazToken có đính kèm mã QR code. Khách hàng khi quét mã QR sẽ được dẫn đến trang mua sắm online trên Lazada, từ đó tận hưởng ưu đãi hấp dẫn hoặc các deal giảm giá khác đang có trên sàn.

LazToken đặt tại mỗi cửa hàng góp phần mang đến trải nghiệm online to offline liền mạch cho người dùng

Với những lợi ích thực tế mang lại cho tất cả bên tham gia, Livestream O2O đang ngày càng phát triển và hứa hẹn trở thành phương thức bán hàng mang lại doanh thu và lợi nhuận cao cho nhà bán hàng. Hơn hết, mô hình này đang chứng minh khả năng gia tăng trải nghiệm mua sắm có cảm xúc cho người dùng theo đúng chiến lược Shoppertainment - mua sắm kết hợp giải trí mà sàn TMĐT Lazada tiên phong phát triển suốt nhiều năm qua.

Nguồn: Thành Đô

Livestream O2O ‘kéo’ khách đến mua hàng ra sao? - Tin Tức